Thứ Bảy, 6 tháng 5, 2017

Trại Giam Phú Quốc hay Nhà Lao Cây Dừa

Trại Giam Phú Quốc hay Nhà Lao Cây Dừa



Vị trí: Thị trấn An Thới, huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, cách thị trấn Dương Đông khoảng 30km về phía đông nam.
Đặc điểm: Nhà tù Phú Quốc còn được gọi là “Địa ngục trần gian” do tại nơi đây, chính quyền Mỹ - Ngụy đã sử dụng nhiều hình thức tra tấn dã man như đóng đinh, chuồng cọp kẽm gai, lộn vỉ sắt, chôn sống... nhằm khuất phục ý chí chiến đấu của các chiến sĩ cách mạng.
nha-lao-cay-dua-phú-quốc-litcheetravel.com.vn
Di tích lịch sử Trại giam Phú Quốc (còn có tên gọi khác: Địa điểm Nhà tù Phú Quốc, Trại giam tù binh Phú Quốc, Nhà tù Phú Quốc, Nhà lao Cây Dừa,…) nằm trên địa bàn thị trấn An Thới, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Cùng xem: Thưởng ngoạn Bắc Đảo Phú Quốc tại đây hoặc các chương trình tour du lịch Phú Quốc của Litchee Travel tổ chức tại đây
Trại giam Phú Quốc được mệnh danh là “địa ngục trần gian” là bằng chứng về tội ác dã man, tàn bạo với hơn 45 kiểu tra tấn dã man của Mỹ - Ngụy. Trong thời gian tồn tại chưa đầy 6 năm (từ tháng 6/1967 đến tháng 3/1973), địch đã giam giữ 40.000 lượt tù binh, chủ yếu là cán bộ, chiến sĩ thuộc các lực lượng vũ trang, ngoài ra còn có cán bộ dân chính đảng và dân thường. Số lượng tù binh bị nhồi nhét trong các phòng giam lúc cao điểm từ 120 - 180 người; khoảng 4.000 tù binh bị giết hại, hàng chục nghìn người bị thương tật, tàn phế. Bộ máy điều hành, quản lý của địch ở Trại giam Phú Quốc có khoảng 2.000 nhân viên và sỹ quan, gồm cả hải quân, lục quân, không quân...
nha-lao-cay-dua-phú-quốc-litcheetravel.com.vn
Diện tích Trại giam Phú Quốc lên đến 400 hecta, với gần 500 ngôi nhà, chia thành 12 khu, trong đó có 02 khu đôi (mỗi khu có 02 phân khu) và 10 khu (mỗi khu có 04 phân khu gọi là Khu A, B, C, D), mỗi phân khu cách nhau 100m. Phân khu có chiều dài 150m, rộng 50m, gồm 11 ngôi nhà trong đó có 09 phòng giam, kích thước mỗi phòng giam 20m x 5m. Mỗi phân khu đều có chuồng cọp, 04 phân khu có nhà biệt giam. Các nhà giam xây dựng với vách, mái, cửa đều bằng tôn thiếc, nền bằng đất tráng xi măng để tránh tù binh đào hầm vượt ngục. Xung quanh mỗi phân khu là 04 vọng gác canh giữ 24/24 giờ và 10 vọng gác lưu động, đèn chiếu sáng toàn khu trại. Toàn trại được bao bọc bởi dãy kẽm gai dày chằng chịt 7 đến 10 lớp; vùng bao quanh hoàn toàn trống trải tạo thành một vành đai trắng bao bọc, cách ly với bên ngoài. Tuy nhiên, với tinh thần dũng cảm, ý chí kiên cường, các tù binh tại Trại giam Phú Quốc đã tổ chức thành công 45 cuộc vượt ngục dưới nhiều hình thức: vượt rào, đánh lính áp giải khi ra ngoài làm việc khổ sai, đào hầm ngầm…
nha-lao-cay-dua-phú-quốc-litcheetravel.com.vn
Hiện nay, di tích chỉ còn lại một số hạng mục sau:
- Cổng Tiểu đoàn 8 quân cảnh: được làm bằng lõi trụ sắt và gạch đặc, tạo thành 02 trụ vuông hai bên.
- Nghĩa địa tù binh: diện tích 20.427,8m2, nằm ở khu vực đồi 100, bốn mặt đều giáp với đất của Hải quân vùng 5, cách điểm Trại giam - phân khu B2 khoảng 1km. Sau năm 1975, toàn bộ công trình được xây bằng bê tông cốt thép, có hàng rào bao quanh. Khu trung tâm nghĩa địa được thiết kế hình tròn, chính giữa có một khối hình chữ nhật, bên trên là tượng đài hình nắm tay (nắm đấm) thể hiện lòng căm thù, tinh thần kiên cường, bất khuất, sẵn sàng hy sinh của các chiến sĩ… Ở các vách tường phía bên trong của hình chữ nhật, cách mặt đất khoảng 1m, được dùng làm bia ghi danh liệt sĩ.
- Nhà thờ Kiến Văn: có diện tích 4.837,6m2, hiện là phế tích, tại đây chỉ còn lại vài mảnh tường, cùng nền xi măng và các cột góc tường.
- Nhà trưng bày bổ sung di tích được xây dựng bằng bê tông cốt thép, chia thành 02 phòng với 43 hiện vật và hơn 100 hình ảnh tư liệu: phòng chiếu phim giới thiệu sơ lược về Phú Quốc và phòng giới thiệu về tổng thể trại giam với 03 phần: Phần I, sa bàn và toàn cảnh trại giam (quá trình hình thành và tồn tại), phần II, những hình thức tra của địch và phần III, những hình thức đấu tranh và các kỷ vật của tù binh.
nha-lao-cay-dua-phú-quốc-litcheetravel.com.vn
- Phân khu B2: được phục dựng lại với diện tích 17.693 m2, gồm các hạng mục như sau:
+ Vọng gác (chòi canh): nằm ở bốn góc của phân khu giam B2, được làm bằng cột thép, cao khoảng 5m, rộng khoảng 1,5m, mái che bằng tôn.
+ Hàng rào: là hệ thống dây kẽm gai, sắc nhọn, bùng nhùng được quấn thành 8 đến 10 lớp, cách khoảng 2 - 3m dọc hàng rào có các cột sắt dùng để treo bóng đèn.
+ Cổng trại giam của phân khu B2: được quấn nhiều lớp rào kẽm gai để bao bọc, có quân cảnh bảo vệ.
+ Chuồng cọp kẽm gai: nằm bên phải cổng phân khu là các chuồng cọp nằm, chuồng cọp ngồi, chuồng cọp nửa thấp nửa cao. Chuồng cọp dài khoảng 2m, rộng khoảng 0,5m, cao khoảng 0,5m, được để ngoài trời, nằm ngay sát mặt đất, làm bằng kẽm gai, bên trong là các mô hình tù binh bị giam giữ.
+ Liền kề với các chuồng cọp kẽm gai là kiểu giam giữ tù binh bằng thùng cat xô, thực tế đây là một công ten nơ nhỏ. Trên đỉnh có đục một lỗ thông hơi, trên thành đục một cửa sổ nhỏ dùng để đưa cơm, nước vào cho người tù.
+ Dãy nhà bếp và nhà ăn: nằm bên phải của cổng vào, có 04 nhà (loại nhà tiền chế, sườn là khung thép lắp sẵn, vách, mái, cửa sổ đều bằng tôn thiếc), bên trong cũng có mô hình tù binh đang nấu ăn.
+ Dãy nhà dùng làm nơi ở, giam giữ và tra tấn tù binh: được đánh số từ 1 đến 18 theo thứ tự từ phải sang trái, là loại nhà tiền chế giống nhà bếp, bên trong mỗi nhà có 02 dãy sàn lát ván gỗ làm chỗ nằm nghỉ cho tù binh. Sau khi phục dựng, bên trong có mô hình tù binh, tái hiện các nội dung: phòng 1, cuộc đấu tranh chống địch đàn áp tù binh vào ban đêm; phòng 2, cuộc sống và sinh hoạt của tù binh vào những lúc địch không tổ chức đàn áp, khủng bố; phòng 3, cuộc đấu tranh biểu tình của tù binh phản đối địch; phòng 4, cuộc đấu tranh tuyệt thực của tù binh; phòng 6, cuộc đấu tranh của tù binh và sự đàn áp đẫm máu của địch ở Phân khu B8; phòng 13, 15, 16, một số hình thức tra tấn tù binh điển hình của địch ở trại giam; các phòng 5, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 18, cảnh tù binh bị giam giữ; phòng 14, đường hầm của tù binh đào để vượt ngục (đoạn hầm dài khoảng 25m, đường kính khoảng 50 cm); phòng 17, cảnh tù binh đào hầm và vượt ngục.
nha-lao-cay-dua-phú-quốc-litcheetravel.com.vn
+ Phòng biệt giam B2: diện tích 9 x 3m, vách được dựng bằng thép tấm, đục lỗ nhỏ, mái che bạt, dưới mái gần đỉnh đầu là lưới rào dây kẽm gai sắc nhọn, nền đất tráng xi măng. Phòng biệt giam tái hiện cảnh tượng địch tra tấn tù binh bằng chày vồ, bằng giày đinh, cho tù binh “đi tàu bay”, bị chôn sống…
+ Dãy nhà vệ sinh: nằm phía sau phòng giam 14 và 16, giáp với hàng rào phía sau khu trại giam. Ở các dãy nhà vệ sinh đều có mô hình mô phỏng cảnh địch bắt tù binh dọn dẹp, khiêng thùng phân đi đổ…
- Đài tưởng niệm liệt sĩ tại Đồi Sim: diện tích 12.420,5m2, giáp với đất của dân và tỉnh lộ 47, được xây bằng bê tông cốt thép. Đài tưởng niệm được thiết kế với hai bên là biểu tượng hình ngọn sóng được sơn màu xanh da trời, cao khoảng 5m và chính giữa là hình khối nhọn, được khoét rỗng khoảng 2m tạo biểu tượng hình người mang ý nghĩa “những con người ra đi từ nơi ấy”.
- Cổng Tiểu đoàn 7 quân cảnh: sau giải phóng năm 1975, cổng Tiểu đoàn 7 quân cảnh được di dời vào trong, cách địa điểm cũ 15m. Cổng được làm lại bằng lõi trụ sắt và gạch chỉ đặc, tạo thành 02 trụ vuông hai bên, cao 4,1m, rộng 0,85m. Khoảng cách giữa 02 trụ cổng là 5,9m. Bao quanh cổng là tường rào cao 0,8m. Sát với trụ cổng bên trái (hướng từ ngoài vào) là bảng trích giới thiệu sơ lược về Tiểu đoàn 7 quân cảnh.
- Cổng và nhà Ban Chỉ huy trại giam: hiện nay ở điểm này chỉ còn lại cổng và 04 nhà mới được phục dựng lại trên nền cũ, có diện tích 20m x 5,68m đều được phục dựng bằng bê tông cốt thép, tường gạch, nền tráng xi măng, mái lợp tôn, cửa ra vào và cửa sổ làm bằng gỗ. Cổng mới tôn tạo lại được di dời vào bên trong cách vị trí cũ 21,5m, được làm bằng trụ sắt và đổ bê tông. Cánh cửa cổng chính làm bằng các thanh sắt ấp chiến lược và dây kẽm gai. Bao quanh cổng và nhà Ban Chỉ huy trại giam là tường rào. Mặt tường rào phía trước - giáp tỉnh lộ 47, làm bằng dây kẽm gai, còn các mặt tường khác xây bằng bê tông.
nha-lao-cay-dua-phú-quốc-litcheetravel.com.vn
Hiện nay, hang năm di tích Trại giam Phú Quốc đón hàng chục nghìn lượt khách tham quan trong và ngoài nước (trong đó có nhiều cựu tù binh là chứng nhân sống về lịch sử di tích), góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh cách mạng bất khuất cho các thế hệ.
Với giá trị đặc biệt tiêu biểu, di tích lịch sử Trại giam Phú Quốc (huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) đã được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt (theo Quyết định số 2408/QĐ-TTg ngày 31/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ)./.
Khắc Đoài (Theo Hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét