Thứ Ba, 22 tháng 8, 2017

Các lễ hội truyền thống tại Côn Đảo du khách không thể bỏ qua

Các lễ hội truyền thống tại Côn Đảo du khách không thể bỏ qua


Giống bao nhiêu vùng quê khác trên cả nước Việt Nam, Côn Đảo cũng có nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc cần được bảo tồn trang nghiêm, hãy tới du lịch Côn Đảo để tham gia và hòa mình vào các lễ hội truyền thống hấp dẫn nơi đây. Hôm nay, Litchee Travel xin giới thiệu đôi nét về Lễ Hội truyền thống tại Côn Đảo với bạn đọc  để nếu bạn đọc có cơ hội tới du lịch Côn Đảo, xin hãy tham gia các lễ hội truyền thống này cùng với những người dân bản địa nơi đây: ngày Côn Đảo, ngày giỗ cô Sáu, ngày lễ Vu Lan, lễ hội miếu bà Phi Yến....
>> Quý khách có thể tham khảo Các địa điểm thăm quan tại Côn Đảo của Litchee Travel.

1. Lễ Hội truyền thống Ngày Côn Đảo hay lễ hội ngày giỗ chung

Ngày 27-7 không chỉ là ngày tri ân thương binh liệt sĩ của cả nước, còn là lễ giỗ chung (20-6 âm lịch) của những người tù chính trị đã mất tại Côn Đảo. Hàng năm cứ đến tháng 7 các cựu tù chính trị lại mong muốn trở lại Côn Đảo để cùng nhắc nhớ nhau về những câu chuyện nghĩa tình lao khổ trong 113 năm lịch sử nhà tù Côn Đảo.
Những năm trước, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đưa ra ý tưởng về một “ngày Côn Đảo” : Nên chăng một lễ cầu siêu long trọng dành cho những người đã khuất sẽ được cử hành định kỳ hằng năm, tiếp nối từ truyền thống dân tộc như một mỹ tục mới mà chúng ta sẽ xây dựng. Ngày ấy rất có thể được chọn làm “ngày Côn Đảo” được tiến hành trong cả nước. Ngày Côn Đảo cũng là ngày hành hương dành cho thân nhân các gia đình liệt sĩ đã ngã xuống nơi đây và cũng đánh dấu ngày mở đầu mùa du lịch Côn Đảo” - nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Chính vì thế, cứ đến ngày 26-7 hàng năm, đền thờ Côn Đảo nhộn nhịp trong đám giỗ lớn. 22 nhóm cụm dân cư và các cơ quan ở Côn Đảo tụ họp, xôn xao trong hội thi nấu ăn. Mỗi nhóm một món, các cô, các chị cắm cúi chăm chút nêm nếm thật đậm đà, trang trí thật đẹp trước khi rón rén mang bày trên bàn thờ, thắp nén nhang thơm. Trên hành lang đền thờ, dưới bóng hồng chung, từng nhóm thanh niên quây lấy những bác, những chú cựu tù, say mê nghe kể chuyện ngày xưa. Có lịch sử đặc biệt, Côn Đảo và nhất là nghĩa trang Hàng Dương thường tổ chức những đám giỗ, nhưng hôm nay ai cũng xuýt xoa: “Lần đầu tiên làm tại đền thờ, không ngờ đám giỗ lớn thế này...”.
Không lớn sao được khi đây là đám giỗ chung của hai vạn người tù đã nằm lại Côn Đảo. Từng người cựu tù tóc bạc, chân yếu, chống nạng theo nhau đến trước bàn thờ, tỏa ra các ngôi mộ trong nghĩa trang Hàng Dương. Đền thờ Côn Đảo nghi ngút khói hương, tiếng chuông trầm bổng, lời văn tế vấn vít: “Ngút ngàn sóng bể, đảo quê hương cô quạnh lúc xế tà... Côn Lôn nhấp nhô, ngày hai bận theo hải triều lên xuống... Vạn oan hồn lẩn khuất... Cái chết như lưỡi dao sắc cứa tim đồng đội, như lời nhắn gởi vững tin vào thắng lợi ngày mai.... Vĩnh viễn ra đi đem cái sống còn cho người ở lại, quằn quại đớn đau, vẫn rực lên niềm tin tưởng diệu kỳ... Món nợ ân tình ngày càng lớn mãi, biết bao giờ đền đáp được ơn sâu.... Bởi cái chết chưa phải là đã hết, chết vì non sông vẫn sống mãi muôn đời...”. Không mấy trau chuốt, không chuẩn niêm luật nhưng là những lời tế được viết ra từ trong tim, ông Bùi Văn Toản, “hạt nhân” của lễ giỗ, đã chứng minh lòng thành của mình bằng mấy mươi năm làm việc cho Côn Đảo và vì Côn Đảo. “Rất khó khăn, rất vất vả từ việc thống nhất chủ trương, quan điểm đến tổ chức, đến kinh phí, nhưng việc phải làm vẫn cứ làm, việc phải thành vẫn cứ thành, ấy là do những thúc đẩy đã được ấp ủ từ những ngày tù ngục Côn Đảo” - ông nói như đinh đóng cột giữa hàng trăm công việc tổ chức đang vây bọc.

gio-ngay-con-dao-du-lich-con-dao-litchee-travel-min 

 

2. Ngày Giỗ Cô Sáu

Hình ảnh người con gái anh hùng Đất Đỏ Võ Thị Sáu ai ai cũng biết. Chị Sáu sinh năm 1933 tại thị trấn Đất Đỏ, huyện Long Đất. Năm 1947, khi mới 14 tuổi, Võ Thị Sáu trở thành chiến sĩ trinh sát của Đội Công an xung phong Đất Đỏ. Tết Canh Dần (1950), Võ Thị Sáu tình nguyện tìm diệt bọn ác ôn chuyên vào chợ Đất Đỏ quê chị để cướp bóc. Diệt được bọn ác ôn này, nhưng Sáu lại bị bọn ác ôn khác đuổi theo, bắt được. Tháng 4- 1950, Võ thị Sáu bị giam ở khám Chí Hòa. Bọn Pháp mở phiên tòa xử chị “án tử hình” khi chưa đủ tuổi thành niên. Pháp sợ dư luận phản đối, nên chúng đưa Võ Thị Sáu ra Côn Đảo để hành quyết. Bốn giờ sáng ngày 21-1-1952, tàu chở Võ Thị Sáu cùng với 40 tù chính trị và 3 tử tù nữa vượt biển ra Côn Đảo. Ngày 23-1-1952, người tử tù nhỏ tuổi nhất ở Côn Đảo không cho kẻ thù bịt mắt, cất cao tiếng hát “Tiến quân ca”: Đoàn quân Việt nam đi. Sao vàng phất phới... Khi giặc nổ súng, Võ Thị Sáu thét lên: Đả đảo thực dân Pháp! Việt Nam độc lập muôn năm! Hồ Chủ Tịch muôn năm!
Bảy tên đao phủ đứng cách chị vài mét, đồng loạt nổ súng, nhưng chị không chết. Vì bọn đao phủ bị hoảng loạn, run rẩy trước ánh mắt nhìn của chị Sáu.Tên đội lê dương tức giận rút súng ngắn tiến lại, dí tận mang tai chị bóp cò. Đó là 7 giờ sáng ngày 23-1-1952, Võ Thị Sáu tròn 17 tuổi.
Cô Sáu hy sinh ngày 23-1-1952 đã trở thành một ngày hội của người dân Côn Đảo…Gia đình nào cũng làm giỗ chị. Nhà nhà mang hoa, mang lễ ra thắp hương kín mộ chị từ sáng tới khuya.  Từ một liệt sỹ anh hùng hy sinh vì dân, vì nước, để rồi trở thành một vị thần hộ mệnh của nhân dân Côn Đảo, đó là điều mà chỉ có chị- người cộng sản kiên trung bất khuất hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ mới làm được!
Trước đây Côn Đảo lấy ngày 23/01 DL hàng năm là ngày giỗ Nữ Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu theo thông số của giấy báo tử của Thời Pháp đúng thời gian Cô đã hi sinh. Nay, ở đây chúng ta dựa vào ngày ÂL 27 tháng Chạp làm ngày giỗ của Cô, theo thông tin cập nhật từ Bảo tàng Côn Đảo, bắt đầu từ năm 2010.

le-hoi-vo-thi-sau-du-lich-con-dao-litchee-travel-min 


3. Lễ Vu Lan

Nhân mùa Vu Lan, mùa của tri ân và báo ân, vào ngày 11-8-2013, Sư cô Thích Nữ Huệ Đức (Trụ trì Quan Âm Tu Viện, TP.HCM) đã dẫn đoàn gồm chư Ni và Phật tử của chùa đi thăm Côn Đảo để bày tỏ lòng tri ân sâu sắc của mình đến những vị anh hùng, liệt sĩ đã oanh liệt hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc.
Ngày 1 tháng 2 năm 1862, tướng Bonard đã ký quyết định thành lập nhà tù Côn Đảo, từ đó biến Côn Lôn thành nơi giam giữ những người tù chính trị Việt Nam với hệ thống chuồng cọp nổi tiếng. Dưới thời Pháp thuộc, trong dân gian đã lưu truyền câu ca dao rằng:
“Côn Lôn đi dễ khó về
Già đi bỏ xác, trai về nắm xương.”
Với chính sách đàn áp man rợ của quân thù, rất nhiều chiến sĩ cách mạng Việt Nam đã phải hy sinh tại Côn Đảo, trong đó có những nhân vật nổi tiếng như Nguyễn An Ninh, Lê Hồng Phong, Võ Thị Sáu…. Người ta đã ví những nhà tù ở Côn Đảo như là đại ngục trần gian, đủ thấy sự giã man, tàn bạo của quân thù đối với các tu binh như thế nào, Hiện tại, các vị anh hùng, liệt sĩ ấy được an nghỉ tại nghĩa trang Hàng Dương trên Côn Đảo.

Vào năm 1873, việc xây dựng Cầu tàu Côn Đảo đã khiến cho ít nhất 914 người đã ngã xuống trong quá trình lấy đá từ Núi Chúa mang ra biển để xây dựng cầu tàu. Để tưởng nhớ những người đã khuất, nên người ta đã đặt tên cho cây cầu ấy là Cầu Tàu 914.

du-lich-con-dao-ngay-le-vu-lan-litchee-travel-min


Như vậy là có đến hàng chục nghìn người đã phải thiệt mạng tại Côn Đảo, biến Côn Đảo từ một hòn đảo trong lành, thơ mộng trở thành một hòn đảo của sự tàn bạo, chết chóc, âm khí nặng nề. Cũng may là vào năm 1964, một vị danh tăng thuộc Tổ đình Vĩnh Nghiêm, TP.HCM đã sáng lập chùa Vân Sơn (còn gọi là chùa Núi Một) tại Côn Đảo để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh cho dân chúng địa phương, cũng là nơi nương tựa cho anh linh những người đã khuất. Chùa Vân Sơn đã được trùng tu vào cuối năm 2011 và đã trở nên khang trang, rộng rãi và uy nghiêm hơn trước.
Trong chuyến viếng thăm Côn Đảo của mình, đoàn chư Ni và Phật tử Quan Âm Tu Viện đã đến đặt lẵng hoa hồng, thắp nến tại hơn 2,000 ngôi mộ ở nghĩa trang Hàng Dương và viếng mộ của chị Võ Thị Sáu, mộ chiến sĩ Nguyễn An Ninh, Lê Hồng Phong, và đến thăm các nhà tù tại Côn Đảo.
Bên cạnh đó, đoàn còn tổ chức Lễ Hỏa Tịnh, rải cát Mạn-đà-la cầu nguyện cho anh linh của các chiến sĩ cách mạng, tù nhân và đồng bào đã hy sinh vì chính nghĩa và tử nạn vì thiên tai, hoạn nạn, nhất là anh linh của những người đã ngã xuống cho sự độc lập, tự do của Tổ quốc và hòa bình, thống nhất đất nước Việt Nam thân yêu trên Côn Đảo.
Những ngon nến lung linh được thắp sáng trong đêm tại các nhà tù và trên các ngôi mộ ở nghĩa trang Hàng Dương đã tạo nên một không gian thiêng liêng và ấm áp nghĩa tình.

le-hoi-gio-ngay-con-dao-du-lich-con-dao-litchee-travel-min


Đây là một việc làm vô cùng cao đẹp, thể hiện tinh thần biết ơn và đền ơn của người đệ tử Phật. Việc làm này càng đặc biệt hơn vì được thực hiện trong mùa Vu Lan, một mùa lễ hội để cho người con Phật tưởng nhớ và báo đáp thâm ân của cha mẹ, ân đức của những người ân nhân và không quên tưởng nhớ đến ân đức sâu nặng của các bậc tiền bối hữu công, các anh hùng liệt sĩ, các chiến sĩ cách mạng đã anh dũng hy sinh để cho chúng ta có được cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay. >> Quý khách có thể tham khảo các tour Côn Đảo của Litchee Travel

4. Lễ giỗ bà Phi Yến ở Côn Đảo

Hàng năm, vào đêm 17 và ngày 18/10 âm lịch, nhân dân Côn Đảo lại long trọng tổ chức lễ giỗ Bà Phi Yến. Vào đêm 17/10, Ban tổ chức Lễ giỗ bày cúng các loại hoa quả, chè, xôi và chiêu đãi khách thập phương. Người dân ở Côn Đảo cũng bắt đầu đến Miếu bà Phi Yến để dâng hương cùng những vật phẩm mộc mạc, dân dã và thành tâm cầu xin cho những điều tốt lành. Sau đó người dân và du khách cùng nhau tham gia các hoạt động văn nghệ, vui chơi được tổ chức ở đây. Những người yêu thích đờn ca tài tử sẽ được dịp tham gia và thưởng thức suốt đêm loại hình nghệ thuật này.
Khoảng 9 giờ sáng ngày 18/10 âm lịch, lễ giỗ chính thức bắt đầu. Lễ vật là hoa, ngũ quả, bánh được xếp thành từng mâm đẹp mắt. Những người vào dâng lễ đội mâm lễ vật trên đầu xếp thành hàng. Trong nền nhạc lễ, đoàn đại diện các Đoàn thể, Khu dân cư trịnh trọng dâng lễ. Chủ lễ đọc văn khấn trong làn khói hương, và nhạc lễ dân tộc lúc réo rắc, khi trầm buồn. Cả miếu Bà ở trong một một không khí trang nghiêm, long trọng và xúc động. Sau phần tế lễ, nhân dân và du khách du lịch Côn Đảo, đi tour Côn Đảo tới dự lễ sẽ được thưởng thức những món chay do nhân dân các Khu dân cư quyên góp và thực hiện. Với tấm lòng thành và tài nấu nướng khéo léo, các Khu dân cư đã mang đến lễ hội những món chay vừa ngon vừa đẹp mắt để dâng cúng và thiết đãi mọi người, và cũng là để tưởng nhớ Bà Phi Yến đã bỏ mình trong một dịp lễ đàng chay tại làng An Hải.

le-hoi-gio-ba-phi-yen-du-lich-con-dao-litchee-travel-min


Có thể nói, từ nhiều năm qua, ngày giỗ bà Phi Yến đã trở thành một dịp để mọi người thành tâm khấn nguyện những điều may mắn, tốt đẹp cho gia đình, người thân, cho miền biển đảo an bình, cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, đó chính là nhu cầu hướng thiện.
Lễ giỗ bà Phi Yến mang ý nghĩa đặc biệt về văn hóa tinh thần của nhiều người dân Côn Đảo. Đây là niềm tự hào của nhân dân huyện Côn Đảo, cũng là trách nhiệm của chính quyền và nhân dân địa phương trong việc bảo vệ và phát huy những truyền thống tốt đẹp, các giá trị của di tích, đáp ứng nhu cầu văn hóa của nhân dân và du khách tới thăm Côn Đảo, đi tour du lịch Côn Đảo. Trong đó có việc tổ chức lễ giỗ Bà Phi Yến để những giá trị văn hóa của di tích An Sơn miếu cũng như những truyền thống tốt đẹp trong dân gian được lưu truyền mãi mãi.


Nguồn: Tổng hợp Internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét